Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, từ khóa tuyển sinh năm 2020 (K65), các chương trình đào tạo của trường được thiết kế theo 3 mô hình, sinh viên có thể quyết định lựa chọn và đăng ký chương trình phù hợp vào cuối năm thứ 3, tùy theo điều kiện.
Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2020 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm 2020 (K65), các chương trình đào tạo của Trường được thiết kế theo 3 mô hình: Chương trình Cử nhân (4 năm), người tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân (đại học); Chương trình tích hợp Cử nhân-Kỹ sư (5-5,5 năm), người tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân (đại học) và bằng Kỹ sư (sau đại học); Chương trình tích hợp Cử nhân-Thạc sĩ (5,5 năm), người tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân (đại học) và bằng Thạc sĩ (sau đại học). Sinh viên có thể quyết định lựa chọn và đăng ký chương trình phù hợp vào cuối năm thứ 3, tùy theo điều kiện cho phép.
Trường cũng thực hiện đào tạo các chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo tài năng và chương trình Việt- Pháp PFIEV (gọi chung là chương trình ELITECH) được thiết kế dành cho các sinh viên ưu tú với mong muốn trở thành các chuyên gia giỏi, những nhà quản lý xuất sắc trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại công nghiệp 4.0. Các chương trình ELITECH cung cấp các điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên.
Các chương trình tiên tiến
Trường đã và đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo bậc đại học với các trường đại học uy tín trên thế giới từ CHLB Đức, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc, Newzealand đào tạo các chuyên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Cơ khí- Chế tạo máy, Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Điện tử- Viễn thông, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Quản trị kinh doanh, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng. Sinh viên có thể lựa chọn theo học các chương trình hợp tác đào tạo do trường đại học đối tác cấp bằng hoặc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cấp bằng. Riêng chương trình liên kết với ĐH Troy, sinh viên có thể lựa chọn học toàn thời gian tại ĐHBKHN hoặc sang học tại ĐH Troy, bằng tốt nghiệp do trường đối tác cấp.
Các chương trình đào tạo quốc tế
Chương trình song bằng tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế là chương trình đào tạo song bằng hợp tác với ĐH Plymouth Marjon (Anh Quốc). Tốt nghiệp chương trình này sinh viên sẽ được nhận 2 bằng cử nhân do trường ĐHBKHN và ĐH Plymouth Marjon trao.
Trường ĐH Bách khoa cũng lưu ý, sau năm học đầu tiên, Trường sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên được chuyển ngành học hoặc chương trình đào tạo khác nếu các em thấy không phù hợp với ngành học hiện tại. Để được xem xét chuyển ngành học, sinh viên cần có điểm xét tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển của ngành/chương trình muốn chuyển sang học và một số điều kiện khác theo Quy chế đào tạo của Trường.
Liên quan đến công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2020, mới đây trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thông tin về phương thức tuyển sinh năm 2020.
Theo đó, Trường sẽ thực hiện xét tuyển tài năng từ 10-15% tổng chỉ tiêu, gồm các phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thẳng dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level và IELTS và xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
Đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi, Trường tuyển 85 – 90% tổng chỉ tiêu, gồm các phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 (50-60%) cho các ngành/chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A00, A01, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 và xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm Bài kiểm tra tư duy (30-35%) cho các ngành/chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A19 và A20.
Năm 2020, trường ĐHBK Hà Nội áp dụng hình thức xét tuyển thẳng dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT và A-Level cho tất cả các ngành/chương trình đào tạo. Riêng đối với các thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế 6.5+ (hoặc chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) được đăng ký xét tuyển thẳng vào các ngành Ngôn ngữ Anh.
Đối với hình thức xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, những thí sinh sau đây có thể đăng ký dự tuyển: Được tuyển thẳng nhưng không dự tuyển hoặc không trúng tuyển vào các ngành theo quy định; Được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Tiếng Anh (lớp 10, 11, 12); Được chọn tham dự Cuộc thi KHKT quốc gia do Bộ GDĐT tổ chức; Học hệ chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin và Tiếng Anh của các trường THPT chuyên trên toàn quốc; Được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng, quý, năm; Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (Academic) từ 6.0+ hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (áp dụng cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh).
Đối với hình thức xét tuyển theo điểm thi, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (Academic) từ 5.0 trở lên hoặc tương đương có thể được quy đổi điểm thay cho điểm thi môn tiếng Anh để xét tuyển vào các ngành/chương trình có tổ hợp xét tuyển A01, D07 và D01.
Thí sinh cũng cần lưu ý các mốc thời gian tuyển sinh vào trường:
Từ 15/6/2020 đến hết ngày 30/6/2020: Mở đăng ký tham dự bài kiểm tra tư duy trên hệ thống http://ts.hust.edu.vn
Từ ngày 15/6/2020 đến hết ngày 12/7/2020: Mở đăng ký xét tuyển tài năng trên hệ thống http://ts.hust.edu.vn
Trước 15/7/2020: Thông báo kết quả sơ tuyển tham dự Bài kiểm tra tư duy
Trước 20/7/2020: Thông báo kết quả xét hồ sơ năng lực
Trước 26/7/2020: Phỏng vấn thí sinh diện xét tuyển theo hồ sơ năng lực
Sau 01/8/2020: Công bố kết quả xét tuyển tài năng (cho cả 3 phương thức)
15/8/2020: Tổ chức Bài kiểm tra tư duy.