Quyết định trục xuất sinh viên nước ngoài của Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ đã gây khó khăn cho các sinh viên quốc tế và có thể gây thiệt hại đến nền kinh tế Mỹ.
Hai tháng nữa, Tianyu Fang, 19 tuổi, sẽ bắt đầu học kỳ đầu tiên tại một trong những trường danh tiếng nhất nước Mỹ: Đại học Stanford ở California. Tuy nhiên, giờ đây sinh viên Trung Quốc này không chắc mình có thể làm được điều đó.
Fang là một trong số hàng triệu sinh viên quốc tế có thể phải rời khỏi Mỹ nếu trường họ chuyển sang học trực tuyến 100%, theo quy định được cơ quan di trú Mỹ công bố vào hôm 6/7. Những người không tự nguyện rời đi sẽ bị trục xuất.
Một số đại học tuyên bố sẽ chuyển tất cả khóa học thành trực tuyến do đại dịch Covid-19. Các đại học khác có kế hoạch tiếp tục cho sinh viên đến lớp. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát ở Mỹ, có khả năng các trường này cũng sẽ chuyển sang dạy từ xa.
Hơn một nửa số sinh viên quốc tế tại Mỹ đến từ châu Á. Trong năm học 2018-2019, Mỹ có 370.000 sinh viên đến từ Trung Quốc, 202.000 đến từ Ấn Độ và 52.000 đến từ Hàn Quốc, theo CNN.
Quy định vừa được đưa ra khiến con đường của Fang, người đã học ở Mỹ từ cấp hai nhưng quay lại Bắc Kinh vào đầu năm nay, trở nên chông chênh hơn. Để tránh lệnh cấm khách đã ở Trung Quốc trong hai tuần qua vào Mỹ, Fang định bay từ Trung Quốc sang Campuchia. Sau 14 ngày, Fang sẽ bay sang Mỹ.
Giờ đây, mọi thứ thậm chí còn khó khăn hơn. Đại học Stanford có kế hoạch sắp xếp lại sinh viên ở trong trường mỗi học kỳ để đảm bảo giãn cách xã hội. Sinh viên năm nhất sẽ học ở trường vào mùa thu và mùa hè. Điều này có nghĩa là Fang phải học từ xa trong một học kỳ và phải rời Mỹ trong thời gian đó.
Làm thế nào để rời khỏi Mỹ bây giờ cũng là thử thách. Chỉ có vài chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc và hành khách sẽ phải cách ly trong 2 tuần.
Tác động kinh tế
Không chỉ sinh viên quốc tế bị tác động bởi thông báo hôm 6/7 của Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), nền kinh tế Mỹ có thể cũng bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo năm 2019 của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đang học tập tại Mỹ. Những sinh viên này thường đóng học phí đầy đủ và khoản thu này bù đắp cho cho chi phí tuyển thêm sinh viên Mỹ.
Với các trường cao đẳng và đại học công lập, doanh thu từ các sinh viên quốc tế cũng giúp bù lại tác động của việc cắt giảm ngân sách giáo dục liên bang và tiểu bang. Chính sách mới này có thể buộc các trường như San Jose State, nơi sinh viên quốc tế chiếm gần 11% sinh viên, phải lựa chọn giữa những gì họ tin là an toàn và giới hạn của họ. Có bao nhiêu sinh viên Mỹ sẽ phải hoãn đăng ký học hoặc phải gánh thêm nợ sinh viên vì chính sách của ICE.
Năm 2018, sinh viên quốc tế đã đóng góp 45 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ thông qua tiêu dùng và thuế. Các đại học nhỏ và thành phố phụ thuộc vào doanh thu từ số lượng sinh viên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu sinh viên quốc tế bị buộc phải rời đi.
Nguồn thu này đã lung lay trong một thời gian dài và quyết định của ICE có thể đẩy nhanh quá trình sụt giảm. Trong khi số lượng sinh viên quốc tế theo học tại các trường ở Mỹ vẫn tăng, tốc độ tăng đó đã chậm lại vì học phí cao, xử lý visa chậm, không thể làm việc sau khi tốt nghiệp và sự cạnh tranh gia tăng từ các trường đại học ở Canada và châu Âu.
Nếu sinh viên bị buộc rời khỏi Mỹ, họ có thể không sẵn sàng tiếp tục trả học phí để học từ xa theo một múi giờ hoàn toàn khác.
Nicholas Henderson, người đồng sáng lập và giám đốc của Essai Education, một viện tư vấn và luyện thi tại Delhi cho sinh viên Ấn Độ muốn học tập tại Mỹ, nói rằng quy định có thể khiến các đại học thay đổi chương trình dạy của họ sang kiểu kết hợp để các sinh viên ở lại Mỹ.
“Tôi nghĩ Covid-19 đã giúp các trường thể hiện họ sẵn sàng hỗ trợ sinh viên”, ông Henderson nói.
Nhưng dù các trường cố gắng, chính sách của Mỹ vẫn có thể là rào cản ngăn sinh viên quốc tế đến Mỹ học tập.
Khi Parsana lần đầu đến Mỹ, cô đã lên kế hoạch cố gắng định cư ở đây. Bây giờ, cô nói cô không muốn sống ở Mỹ và sẽ khuyến khích các sinh viên muốn đi du học cân nhắc một quốc gia khác như Australia hoặc Canada.
“Tôi không biết chính phủ Mỹ đang cố gắng làm gì nhưng nền kinh tế của họ sẽ thành đống tro tàn nếu họ làm điều này”, Parsana nói với CNN. “Nếu họ tiếp tục đưa ra các quy định này, sẽ không có nhiều người đến đây học tập”.
Không thể về nhà
Với một số sinh viên, việc về nhà là vô cùng khó khăn.
Bà Theresa Cardinal Brown, giám đốc nhập cư và chính sách xuyên biên giới tại Trung tâm chính sách Bipartisan, nói rằng một số sinh viên không thể về nhà được.
“Vấn đề là một số quốc gia vẫn hạn chế đi lại và họ không thể về nhà, vậy họ phải làm gì?”, bà nói. “Đó là một câu hỏi hóc búa cho rất nhiều sinh viên”.
Ấn Độ, quốc gia có số sinh viên quốc tế tại Mỹ đông thứ hai chỉ sau Trung Quốc, đã ngưng tiếp nhận các chuyến bay thương mại mặc dù quốc gia này vẫn còn các chuyến bay hồi hương công dân.
Maitri Parsana vừa kết thúc năm thứ ba tại Đại học Buffalo, bang New York. Cô không biết làm thế nào về Ấn Độ nếu bị buộc rời đi.
Đại học của cô thông báo họ sẽ dạy cả trực tuyến lẫn tại trường. tuy nhiên, cô sinh viên 22 tuổi đến từ bang Gujarat của Ấn Độ vẫn không biết liệu các lớp học của cô sẽ diễn ra theo hình thức nào.
Parsana cho biết không có chuyến bay nào từ Mỹ về Ấn Độ. Nhưng cô cũng hy vọng chính phủ Ấn Độ sẽ sắp xếp các chuyến bay để đưa học sinh mắc kẹt về nhà.
“Tôi rất sợ, tôi thực sự không biết phải làm gì. Tôi đang bị áp lực về trường học và bây giờ tôi còn phải lo về thứ khác nữa”, Parsana cho biết. Cô cũng nói thêm rằng Mỹ dường như đang tập trung vào sinh viên quốc tế hơn là giải quyết các vấn đề thực sự tồn tại như là đại dịch.
“Chúng tôi cảm thấy bị đẩy ra khỏi đất nước này mà không có lý do gì cả”, cô nói với CNN.