Chia sẻ về mặt bằng nghề nghiệp tại Việt Nam trước cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trần Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế cho biết, thời gian gần đây Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động cấp cao, có các kỹ năng chuyên biệt.
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Định hướng phát triển nghề nghiệp trong thời đại 4.0” của Hiệp hội Hướng nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (APCDA) vừa được Đại học RMIT đưa về tổ chức tại Việt Nam lần đầu tiên, diễn ra trong 3 ngày từ 22-24/5 tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường.
Thu hút sự tham gia của 250 đại biểu từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanca, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Philippine, Việt Nam…, hội thảo là dịp để các đại biểu cùng chia sẻ và thảo luận về những phương thức hướng nghiệp tốt nhất trong thời đại công nghiệp 4.0.
APCDA là một diễn đàn danh tiếng nơi các thành viên có thể chia sẻ ý tưởng cũng như cách phát triển sự nghiệp ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời lan tỏa điều này với thế giới.
Từ hội thảo đầu tiên được tổ chức năm 2013, APCDA mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa những người làm công tác hướng nghiệp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, truyền cảm hứng để những người đang và sẽ làm công tác hướng nghiệp thực hiện công việc của mình dựa trên lý thuyết và kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực hướng nghiệp, đồng thời ủng hộ những chính sách và phương thức thực hiện theo hướng tạo công ăn việc làm tử tế dành cho tất cả mọi người.
APCDA hiện có 22 Giám đốc quốc gia/khu vực và 188 thành viên.
Bà Carla Siojo – Chủ tịch APCDA tin rằng Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang hiển hiện và có nhiều điều cần thực hiện. Bà hy vọng rằng hội thảo sẽ làm giàu vốn sống và tái kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn qua những hoạt động hướng nghiệp ý nghĩa.
Bà Felicity Brown – Trưởng bộ phận tư vấn và hướng nghiệp thuộc Phòng Hướng nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp, RMIT Việt Nam cho biết, đại diện RMIT Việt Nam đã có mặt tại hội thảo của APCDA từ năm đầu tiên ở Seoul, Hàn Quốc vào năm 2013. Thành viên tham dự hội thảo này gồm các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và tư vấn viên trường học, chuyên gia đào tạo tư vấn viên, chuyên gia phát triển nguồn lực, chuyên gia nhân sự và chuyên gia hướng nghiệp ở mọi độ tuổi cũng như trong mọi lĩnh vực.
“Chúng tôi đưa hội thảo năm nay về Việt Nam với mong muốn giúp các trường trung học, đại học và những doanh nghiệp có hứng thú với hướng nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với kho tàng phương thức thực hiện phong phú trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, bà Brown cho hay.
Bà Brown cũng nhấn mạnh rằng hội thảo thường niên của APCDA cho thành viên tổ chức này cơ hội phát triển chuyên môn tuyệt vời cũng như tham gia vào mạng lưới giao lưu kết nối giá trị trong lĩnh vực đang nổi này. Sự kiện năm nay còn là diễn đàn để RMIT Việt Nam phô diễn những hoạt động khác nhau của trường trong việc hỗ trợ sinh viên thiết lập các kỹ năng công việc.
Khẳng định RMIT đang nắm giữ vị trí đầu tàu trong mảng hướng nghiệp ở Việt Nam, bà Brown cho biết: RMIT Việt Nam đã cung cấp dịch vụ tư vấn hướng nghiệp cá nhân trong hơn 10 năm cho sinh viên đang và sắp theo học tại trường, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động chuẩn bị kỹ năng công việc khác nhau như Hoàn thiện kỹ năng cá nhân – chương trình phát triển kỹ năng chuyên môn ứng dụng với bộ hồ sơ năng lực kỹ thuật số, những chương trình tập huấn kỹ năng mềm cho sinh viên đi thực tập, và chương trình hướng đến cộng đồng như CLB Nâng cao vị thế phụ nữ.
Các bài thuyết trình tại hội thảo APCDA bao hàm nhiều chủ đề khác nhau như lên kế hoạch nghề nghiệp, hướng nghiệp hoặc giới thiệu nghề nghiệp tại trường trung học, đại học và các trường tư thục, cũng như thị trường lao động, các vấn đề của lực lượng lao động và quốc tế.
Đáng chú ý, tại hội thảo này, ông Trần Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế đã chia sẻ với các đại biểu tham dự về mặt bằng nghề nghiệp tại Việt Nam trước cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, về tình hình sa thải và thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động trình cấp cao, cần kỹ năng chuyên biệt, mà Việt Nam gặp phải trong những năm qua.
“Việc thiếu hụt là hệ quả của việc chọn ngành học. Một số ngành được đánh giá cao dù không đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong khi đó, hệ thống dự đoán nhu cầu nguồn nhân lực, thông tin thị trường lao động và các hoạt động đào tạo nghề không mang tính đồng bộ và không liên kết hiệu quả với đào tạo nghề, việc đào tạo nghề hiện có và nhu cầu của nhân công”, ông Tuấn lý giải.
Vị Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế cũng đưa ra dự đoán nhu cầu một số nhóm nghề sẽ cao như CNTT, công nghệ sinh học, tự động hóa, quản trị, tài chính, logistics, du lịch & khách sạn, cùng ngành sáng tạo.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo còn có cơ hội nghe Tiến sĩ Alvin Leung – Trưởng khoa Giáo dục và Giáo sư Tâm lý học giáo dục tại ĐH Trung Quốc Hồng Kông nói về “CLAP for Youth @ JC”, chương trình hướng nghiệp toàn diện tại ở Hồng Kông nhằm trang bị năng lực phát triển nghề nghiệp cho các bạn trẻ để theo đuổi khát vọng bản thân trong một xã hội không ngừng đổi thay, thời mà tài năng và thành công trong giáo dục cũng như sự nghiệp bị gán ghép một cách hạn hẹp theo những hướng thành công hạn định.