Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành bắt đầu tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từ ngày 2/10.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định bổ sung Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, cán bộ nghiên cứu cao cấp của Trường Harvard Kenedy thuộc Đại học Harvard, làm thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từ ngày 2/10.
Ông Nguyễn Xuân Thành nhận bằng Cử nhân Kinh tế tại Đại học Delhi, Ấn Độ, bằng Thạc sĩ Kinh tế và Tài chính tại Đại học Warwick, Anh Quốc và bằng Thạc sĩ Quản lý Nhà nước tại Đại học Harvard, Mỹ.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành có 20 kinh nghiệm giảng dạy, thiết kế và triển khai chính sách về tài chính và đầu tư công. Trước khi giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Fulbright, ông Thành công tác tại UBND TP.HCM.
Hoạt động nghiên cứu của ông Thành tập trung vào ngân hàng, đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng. Các nghiên cứu hiện tại và gần đây của ông Thành bao gồm huy động vốn cho cơ sở hạ tầng và sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Trước ông Nguyễn Xuân Thành, một giảng viên khác của ĐH Fulbright Việt Nam là Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cũng tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Tự Anh là Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.
Bên cạnh đó, Thủ tướng quyết định bổ sung Tiến sĩ Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, làm thành viên chuyên trách của Tổ tư vấn.
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hiện có 16 thành viên, do ông Nguyễn Đức Kiên làm tổ trưởng. Tổ tư vấn hoạt động trên nguyên tắc độc lập, khách quan, có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung, dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm.
Nhóm chuyên gia này đồng thời phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; qua đó tư vấn, khuyến nghị Thủ tướng các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Tổ tư vấn còn có nhiệm vụ tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động bất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.