Những tạp chí hàng đầu trên thế giới về Y học lấy ấn phí rất cao và nếu công bố theo mô thức OA thì có thể lên đến 10.000 USD, do vậy đây không phải là yếu tố để đánh giá bài báo có chất lượng cao hay thấp.
37 ứng viên GS, PGS ngành Y và Dược bị tố gian dối khoa học vì đăng bài khoa học trên tạp chí Open Access (OA). Đây là các tạp chí mở, thường mất phí để đăng tải, nhưng liệu đăng bài trên tạp chí OA có phải là chất lượng công bố kém?
Trả tiền để đăng bài là bình thường
GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan, Úc, cho rằng đăng bài trên các OA không phải là gian dối. Ở đây là cần phân biệt có hai mô thức công bố khoa học là OA và truyền thống. Theo ông Tuấn, mô thức công bố OA sẽ là mô thức xuất bản chuẩn trong tương lai.
Theo GS Tuấn, theo mô thức truyền thống như trước đây, tác giả gửi bài không phải trả ấn phí cho nhà xuất bản, nhưng người ngoài chuyên ngành muốn đọc thì phải trả tiền và thường là từ 30 USD đến 50 USD/một bài. Mấy năm gần đây, tác giả gửi bài phải trả ấn phí, thường dao động từ 500 USD đến 1.500 USD một bài và độc giả cũng phải trả 30 USD đên 50 USD để đọc bài báo. Theo mô thức truyền thống thì bản quyền của bài báo thuộc nhà xuất bản (không thuộc tác giả) nên có sự bất công. Mô thức OA ra đời để giải quyết sự phi lý này.
Theo mô thức OA, tác giả gửi bài phải trả ấn phí khá cao, từ 1.000 USD đến 6.000 USD (tùy tạp chí) để công bố bài báo. Nhưng bài báo sẽ ở chế độ mở, bất cứ ai đều có thể đọc được. Ngoài ra, bản quyền bài báo thuộc về tác giả.
“Tất cả các tạp chí chính thống và danh tiếng trên thế giới cho tác giả lựa chọn công bố bài báo dưới dạng OA hay truyền thống. Các tạp chí như Nature lấy ấn phí bài báo công bố dưới dạng OA là khoảng 5.000 USD trở lên. Tạp chí do tôi phụ trách biên tập (Cientific Reports, PLoS ONE, PeerJ, Journal of Bone and Mineral Research, Osteoporosis International, Journal of the Endocrine Society…) thì lấy ấn phí OA là 1.500 USD”- GS Tuấn cho hay.
GS Tuấn nhấn mạnh, vấn đề là các tạp chí “dỏm” đều là OA, chứ không có mô thức công bố truyền thống (vì họ không trực thuộc hiệp hội khoa học nào). Tuy nhiên, ấn phí của các tạp chí “dỏm” thường rất thấp, chỉ từ 200 đến 500 USD.
“Ấn phí không có liên quan gì đến chất lượng bài báo khoa học. Những tạp chí số 1 trên thế giới như Nature, Science lấy ấn phí rất cao và nếu công bố theo mô thức OA thì ấn phí có thể lên đến 10.000 USD là bình thường. Ngay cả các tạp chí uy tín cao trong mỗi chuyên ngành Y khoa cũng lấy ấn phí hơn 1.000 USD. Ấn phí không phải là yếu tố để đánh giá bài báo có chất lượng cao hay thấp”- GS Tuấn nhấn mạnh.
Theo GS Tuấn sẽ rất khó để liệt kê những tạp chí OA trong ngành Y và Dược hiện nay được xem có chất lượng. Bởi nếu chỉ tính các tạp chí thuộc các hiệp hội Y khoa quản lý thì con số đã hơn 2.000 (số liệu năm 2018), còn số tạp chí không do các hiệp hội Y khoa quản lý nhưng là chính thống cũng xấp xỉ 1.000.
Nhưng trong chuyên ngành Y học, những tạp chí có uy tín và ảnh hưởng cao nhất phải kể đến như: New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, BMJ, Annals of Internal Medicine, Journal of Clinical Investigation, Journal of Experimental Medicine, Nature Medicine, eLife, PLoS Medicine.
Còn trong chuyên ngành Dược, các tạp chí hàng tốp là: Nature Reviews Drug Discovery, Annual Review of Pharmacology, Annual Review Of Pharmacology And Toxicology, Pharmacological Reviews, Trends In Pharmacological Sciences, Pharmacology & Therapeutics, Clinical Pharmacology & Therapeutics, Clinical Pharmacokinetics…
“Điều quan tâm là rất hiếm có tác giả Việt Nam công bố trên những tạp chí hàng đầu đó và đa số các bài từ Việt Nam được công bố trên các tạp chí có ảnh hưởng thấp hơn”- ông Tuấn cho hay.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM (đồng tác giả với bác sĩ Ngọc Lan từng công bố bài báo trên New England Journal of Medicine gây xôn xao 3 năm trước) cũng cho rằng đăng bài trên tạp chí OA là tất cả mọi người đều được đọc, do vậy hình thức mở là hiện đại và văn minh.
Theo bác sĩ Tường, đây chỉ là hình thức của tạp chí chứ không phải là đánh giá tốt hay không tốt. Trước đây, khi internet chưa phát triển, tạp chí truyền thống sẽ phải in để bán ra ngoài. Khi internet phát triển thì duy trì song song 2 hình thức, vừa in bán, vừa đăng trên internet.
Bác sĩ Tường cho rằng những tạp chí OA bắt buộc phải có nguồn thu để duy trì. Nhà khoa học đăng bài phải mất phí là điều bình thường, không có nghĩa những tạp chí không có bản in là không có uy tin.
Có tạp chí thu ấn phí cao nhưng từ chối 95% bài gửi
Y học là ngành đặc thù liên quan trực tiếp đến con người. Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, mức độ khó hay dễ đăng bài nghiên cứu sẽ tùy thuộc vào các tạp chí. Tạp chí có ảnh hưởng càng cao thì độ khó càng cao, còn tạp chí có ảnh hưởng thấp thì dễ công bố hơn.
Các tạp thí Y học đa khoa như New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, BMJ thường từ chối khoảng 90-95% bài báo gửi đến. Các tạp chí chuyên khoa thì tỉ lệ từ chối dao động trong khoảng 15 đến 50%, nên cơ may được công bố cao hơn.
“Có những tạp chí danh tiếng yêu cầu tác giả cho xem bản tóm tắt trước và dựa vào 500 chữ trong bản tóm tắt, ban biên tập quyết định từ chối hay cho tác giả nộp bản thảo bài báo. Nhiều tạp chí ngày nay yêu cầu tác giả nộp cả dữ liệu gốc và mã máy tính để họ kiểm tra xem tác giả có làm đúng hay không. Do đó, công bố trong ngành y trên các tạp chí tốp thì khó nhưng với các tạp chí làng nhàng thì không quá khó so với các chuyên ngành khác”- GS Tuấn cho hay.
Theo GS Tuấn, dù là tạp chí có ảnh hưởng cao hay thấp thì thời gian từ lúc nhận bản thảo đến lúc công bố, nếu tất cả suôn sẻ (không có từ chối), cũng phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Lý do là vì thời gian bình duyệt và trả lời bình duyệt khá lâu, rồi biên tập tiếng Anh và kiểm tra dữ liệu. Nhưng các tạp chí “dỏm” thì có khi thời gian chỉ 1 tuần đến 1 tháng, và sẽ không từ chối bài báo nào.
Còn bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho rằng: “Nhu cầu đăng bài báo khoa học hiện nay rất cao. Nhà khoa học nếu bài tốt có thể đăng ở những tạp chí lớn. Còn những nhà khoa học có những bài giá trị không nhiều thì có thể lựa chọn những tạp chí nhỏ hơn. Điều này như thị trường và nhà khoa học có quyền lựa chọn”.
Nói về việc nhiều ứng viên GS, PGS ngành Y, Dược bị tố gian lận, bác sĩ Tường nhận định: “Việc tố cáo có thể do người tố đã chọn một tiêu chí cao của một nhóm chuyên môn đã từng làm quốc tế. Với góc nhìn này, họ nói rằng những bài báo đăng trên tạp chí OA thì nước ngoài không chấp nhận và cho rằng làm vậy là không đúng. Tuy nhiên, ở đây là đúng vì với những ứng viên bài chất lượng tới đâu thì gửi tạp chí ở mức đấy. Họ cũng công khai đầy đủ thông tin đăng ở tạp chí nào, trang nào, do vậy thông qua của Hội đồng GS ngành cũng là đúng”- bác sĩ Tường nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, cần thống kê ra những tạp chí nào được xem có uy tín trên giới được tính để xét GS, PGS.
Lãnh đạo 1 trường đào tạo ngành Y, Dược ở phía Nam cho rằng, công bố khoa học ở ngành Y rất ngặt nghèo và khó hơn các ngành khác do đây là ngành đặc thù, liên quan trực tiếp tới con người.
Theo vị này tạp chí mở chỉ là hình thức tất cả mọi người đều có thể truy cập và người đăng đóng một lượng phí vừa phải nên không thể quy rằng tạp chí OA- là dởm để làm mất uy tín, quyền lợi của các ứng viên