Theo số liệu thống kê nhân khẩu vào năm 2019, Thụy Điển có 4,7 triệu hộ; bao gồm 2,8 triệu hộ gia đình và 1,9 triệu hộ đơn thân. Trong số gần 2 triệu hộ đơn thân, có đến 1/5 là người ở độ tuổi từ 18 – 25.
Với giới trẻ Thụy Điển, ở riêng là chuyện được chuẩn bị từ thuở 14 – 15 tuổi.
Truyền thống tự lập sớm
Thụy Điển có diện tích 450.295 km2 và dân số khoảng 10,37 triệu người. Họ nổi tiếng là đất nước cho trẻ em sống tự lập sớm nhất châu Âu. Theo ghi nhận thực tế, khi 14 – 15 tuổi, trẻ đã sẵn sàng tinh thần ra ở riêng. Họ rời nhà cha mẹ ruột, thuê nhà sống một mình, tự túc cơm nước và sinh hoạt phí.
Độ tuổi tự lập trung bình của giới trẻ Thụy Điển là 18 – 19. Trong khi đó, độ tuổi tự lập trung bình của giới trẻ châu Âu là 26. Phần lớn thanh niên phương tây đều ở với cha mẹ, được chu cấp hoặc cho vay tài chính ăn học cho đến khi tốt nghiệp, có việc làm.
Truyền thống Thụy Điển đề cao tinh thần Ensam är stark (một mình là mạnh mẽ). Từ nhiều thế kỷ trước, khi đất nước này vẫn còn phụ thuộc vào nghề nông, các thiếu niên đã sớm ngày sống độc lập. Người Thụy Điển quan niệm, cảm giác cô đơn và sự yếu đuối là thách thức mà mỗi người đều phải tự chinh phục, để trở nên mạnh mẽ hơn. Dù muốn hay không, thiếu niên Thụy Điển ngày nay cũng phải bước vào cuộc sống tự lập trước năm 20 tuổi.
“Lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ đến chuyện ra ở riêng, và đã hiện thực hóa nó vào năm 19 tuổi”, Ida Staberg (21 tuổi) – một thanh niên Thụy Điển cho biết. Cô tìm được căn hộ cho thuê nhỏ gọn, với diện tích 30m2 ở ngoại ô Thủ đô Stockholm, giá thuê 850 USD/tháng (gần 20 triệu đồng). Staberg vừa đi học vừa đi làm thêm, lấy tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí.
“Tôi muốn sớm ra ở riêng để khẳng định quyền và khả năng tự lập”, Stabergchia sẻ. Theo số liệu thống kê từ Thụy Điển, có tới 40% hộ trong nước là đơn thân, và 1/5 trong số này là thanh thiếu niên từ 18 – 25 tuổi (khoảng 380.000 hộ). Các thanh thiếu niên khác của Thụy Điển thì vẫn chung hộ khẩu với gia đình. Tuy nhiên, họ chỉ là chưa tách khẩu. Phụ huynh Thụy Điển vô cùng nghiêm khắc trong việc cho con em tự lập. Ngay cả khi sống chung nhà, giới trẻ Thụy Điển cũng phải “riêng nồi” và trả tiền thuê phòng cho cha mẹ.
Vật lộn với cô đơn
“Thụy Điển vô cùng coi trọng thái độ độc lập”, Gunnar Andersson – Giáo sư Trường ĐH Stockholm giải thích. “Nếu ở các nước châu Âu khác, thanh niên sống chung với cha mẹ là chuyện bình thường thì ở đây, nó vô cùng ‘trái tai gai mắt’. Lớn rồi mà còn ‘bám váy mẹ’ là không hay”.
Trước khi bắt đầu cuộc sống mới, đa phần thiếu niên Thụy Điển đều vô cùng háo hức. Như tuổi teen ở khắp nơi, họ cũng muốn tự do. Có điều, “tôi nhanh chóng nhận ra thực tế không tươi đẹp như mơ ước”, Staberg kể. “Khi ở với mẹ, tôi chẳng phải đụng tay vào việc gì cả. Lúc bước vào cuộc sống một mình, tôi thậm chí còn chưa biết làm thế nào để thanh toán các hóa đơn”.
Christoffer Sandström (26 tuổi) thì rời nhà muộn hơn Staberg. Năm 21 tuổi, anh mới chuyển vào căn hộ cho thuê. “Chỉ có một mình khiến tôi buồn không thể tả”, Sandström tâm sự. “Đối với nhiều thiếu niên của Thụy Điển, tự lập sớm không phải là lựa chọn tốt”, Karin Schulz – tổng thư ký của một tổ chức từ thiện vì sức khỏe tinh thần ở Thụy Điển cho biết. “Họ có thể yêu thích nó, nhưng lại chưa được trang bị đủ kỹ năng để sống một mình”.
Như đã đề cập, người Thụy Điển có truyền thống tự vượt qua nỗi cô đơn và sự yếu đuối. Các bậc phụ huynh ở đây chăm lo toàn diện về mặt vật chất cho con cái, nhưng ít bận tâm vấn đề sức khỏe tinh thần. Phần lớn họ hiếm khi trò chuyện, chơi đùa với trẻ em. Theo số liệu từ thống kê Thụy Điển (Statistics Sweden) vào năm 2017, có đến 55% thanh thiếu niên từ 16 – 24 tuổi không giao lưu với thân nhân. Còn theo số liệu thống kê từ Ủy ban Y tế và Phúc lợi quốc gia Thụy Điển (Sweden’s National Board of Health and Welfare) vào năm 2018, lượng thanh thiếu niên phải trải qua điều trị tâm lý đã tăng 70% chỉ trong vòng 1 thập kỷ.
“Lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng trầm cảm ở giới trẻ Thụy Điển là không có ai lắng nghe hay quan tâm hỏi han”, Schulz giải thích. Ở nhà, họ không thể tâm sự nỗi lòng với ai. Ở bên ngoài, họ phải che giấu cảm xúc vì sợ bị người khác phát hiện, chê bai là yếu đuối.
Vẫn thích sống một mình
Bất chấp tỷ lệ giới trẻ trầm cảm tăng cao, chính phủ và người dân Thụy Điển duy trì truyền thống cho trẻ tự lập sớm. Dù giá cả nhà đất tăng dần đều từ năm 2011, lượng thanh thiếu niên ở một mình không hề giảm. Thụy Điển có rất nhiều nhà riêng cho thuê dạng nhỏ gọn, giá rẻ. Chính phủ Thụy Điển ưu tiên nhiều khoản phúc lợi cho thanh thiếu niên tự lập, ví dụ như giảm (hoặc miễn phí) chi phí thuê nhà ở, khám chữa bệnh, giáo dục…
Xét trên mặt bằng chung, tỷ lệ người Thụy Điển suy sụp vì cô đơn rất thấp. Trung bình, nó chỉ chiếm 5% dân số, trong khi châu Âu là 7%. “Chúng tôi yêu cảm giác độc lập và ghét phụ thuộc vào người khác”, Gunnar Andersson – nhà nhân khẩu học người Thụy Điển khẳng định. Sau khoảng thời gian ban đầu tủi thân, buồn chán, Staberg cũng nhanh chóng tự đứng dậy. Cô học cách quản lý cuộc sống một mình, lên danh sách chi tiêu tương ứng với tiền lương. “Tôi thừa nhận từng cảm thấy cô đơn và quá khó để vượt qua”, cô nói, “nhưng chính nó lại dạy cho tôi nhiều thứ, khiến tôi trưởng thành. Vì thế, tôi nghĩ sớm ra ở riêng là một chuyện tốt”.
Jonna Lundin, thanh niên Thụy Điển “rời tổ” năm 19 tuổi giống như Staberg cũng tuyên bố: “Với tôi, sống một mình là cơ hội để hiểu bản thân. Nhờ vào khoảng thời gian đó, tôi biết mình muốn gì và không muốn những gì. Bây giờ, tôi ít khi cảm thấy cô đơn hay buồn chán. Trên tất cả, tôi tuyệt đối không nghĩ đến việc sẽ về nhà sống chung với cha mẹ, hay chia sẻ không gian với người khác”.
Những năm gần đây, do giá cả bất động sản tăng mạnh, Thụy Điển giảm lượng nhà tư cho thuê và tăng nhà trọ, chung cư. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ thanh thiếu niên ở đây lựa chọn thuê nơi cư trú tập thể. Phần lớn giới trẻ Thụy Điển vẫn thích sống một mình, tự lực tự cường vượt qua cảm giác cô đơn và sự khó khăn. Họ xem những trở ngại này như bài tập thực tế, sẵn sàng trải nghiệm và đánh bại để trưởng thành.