TS Lê Viết Khuyến đề xuất nên đặt ra thời hạn của văn bằng 2 tiếng Anh, không nên có giá trị suốt đời. Nếu không, tấm bằng sẽ không đánh giá được năng lực người học qua thời gian.
Nhiều ý kiến băn khoăn khi cùng đánh giá trình độ ngoại ngữ, nhưng bằng cử nhân hoặc văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh lại có giá trị suốt đời trong khi các chứng chỉ như TOEIC, IELTS chỉ có thời hạn nhất định. Hết thời hạn, người học phải thi lại để chứng minh khả năng tiếng Anh.
Chính điều này dẫn đến sự nở rộ các chương trình đạo tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh ở các trường đại học và nạn “học giả bằng thật” như ở ĐH Đông Đô.
Khối lượng kiến thức chênh lệch nên giá trị khác nhau
Bà Bùi Thị Thanh Trúc, Trưởng khoa Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (HUFLIT) cho biết bằng cử nhân chính quy hay văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh chỉ được cấp cho người học khi họ hoàn thành một khối lượng kiến thức nhất định theo khung chương trình chuẩn quốc gia đã được Bộ GD&ĐT ban hành.
Bất kể ngôn ngữ nào, người học không chỉ luyện thành thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn học nhiều khối kiến thức đại cương, chuyên ngành, kiến thức bổ trợ và các khối kiến thức khác về văn minh, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị. Do đó, như bao nhiêu bằng cử nhân hoặc văn bằng 2 của những ngành khác, văn bằng ngành Ngôn ngữ Anh có giá trị suốt đời.
Trong khi các chứng IELTS, TOEFL, TOEIC chỉ tập trung vào một mảng kiến thức chuyên biệt trong tiếng Anh. Chứng chỉ TOEIC đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh khi làm việc trong môi trường quốc tế, TOEFL dành cho những người có nguyện vọng học chuyên sâu, du học. Họ chỉ tập trung rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho thành thạo. Tùy theo năng lực, các chứng chỉ sẽ đánh giá khả năng, trình độ của người học theo bậc, số điểm nhất định.
“Việc học những kỹ năng này chỉ là một phần trong khối lượng kiến thức mà chương trình cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh yêu cầu. Nói cách khác, giỏi tiếng Anh chỉ là một phần yêu cầu để có được bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh. Chính vì khối lượng kiến thức khác nhau nên giá trị sử dụng của bằng cử nhân và chứng chỉ tiếng Anh khác nhau”, Trưởng khoa Ngoại ngữ của HUFLIT nói.
Nhiều ý kiến lo lắng năng lực, kỹ năng của những người có bằng cử nhân hoặc văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh sẽ bị mai một qua thời gian nhưng giá trị tấm bằng vẫn còn. Trong khi các chứng chỉ TOEIC, IELTS có thời hạn nhất định sẽ đánh giá đúng, thực chất khả năng của người học ở mỗi thời điểm.
Bà Trúc thừa nhận qua thời gian không được sử dụng, trau dồi, những kỹ năng về ngôn ngữ dễ bị mai một, lãng quên. Tuy nhiên, bà cho rằng, để xác định năng lực của người học, người làm ở bất kể thời điểm nào, các nhà tuyển dụng, sử dụng lao động luôn có cách.
“Đơn vị sử dụng lao động hoàn toàn có thể đưa ra bài kiểm tra, yêu cầu nhân viên chứng minh khả năng của mình. Cơ quan Nhà nước cũng hoàn toàn có thể kiểm tra như vậy, yêu cầu công chức, viên chức cập nhật kiến thức. Vấn đề là các đơn vị đó có muốn kiểm tra hay không chứ không thể đổ lỗi cho tấm bằng”, bà Trúc nêu.
Học văn bằng 2 dễ hơn cử nhân chính quy tập trung?
Một thực tế không thể phủ nhận, văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh đang là một trong những yêu cầu tối thiểu để người học tham gia các chương trình, bậc học cao hơn hoặc bổ nhiệm, nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức.
“Đây là lựa chọn của người học. Thay vì học một chứng chỉ có giá trị trong 2 năm, họ chọn học văn bằng có giá trị lâu dài, khỏi phải thi đi thi lại”, bà Trúc nói.
Trưởng khoa Ngoại ngữ ĐH HUFLIT thừa nhận vì nhiều yếu tố khác nhau, mọi người luôn cảm thấy việc học văn bằng 2 nhẹ nhàng, dễ dàng hơn học chương trình cử nhân chính quy.
Đối với người học văn bằng 2, họ được giảm khối lượng kiến thức đại cương do đã được học từ văn bằng 1. Nên số tín chỉ, khối lượng kiến thức còn lại trong chương trình đào tạo ít hơn so với chương trình chính quy tập trung. Hơn nữa, văn bằng 2 hướng đến đối tượng là người đã đi làm, thời gian đào tạo khoảng 18-24 tháng. Người học được linh động học vào buổi tối, cuối tuần.
“Khi đã đi làm, điều kiện trau dồi kiến thức sẽ khác sinh viên đi học chính quy. Đến lúc này, yếu tố người học rất quan trọng. Nếu họ đầu tư thời gian thì kết quả thu được năng lực cũng tương đương như sinh viên học chính quy. Nhưng do tác động từ công việc đang làm, thời gian, tuổi tác ảnh hưởng đến sự tập trung, đầu tư cho việc học nên chất lượng sinh viên văn bằng 2 thường thấp hơn chương trình chính quy tập trung”, giảng viên ĐH HUFLIT đánh giá.
Nhưng không phải tất cả đều như vậy, bà Trúc cho biết vẫn có những sinh viên học lớp văn bằng 2 nhưng năng lực xuất sắc, tốt nghiệp loại giỏi, thực sự có kiến thức, kỹ năng.
Bà Trúc đánh giá việc nhiều người đổ xô đi học văn bằng 2 và bằng nhiều cách có được tấm bằng, trong đó có trường hợp gian dối, không thực học như đã xảy ra ĐH Đông Đô là khó tránh khỏi trong thực tế nếu cơ quan quản lý không có biện pháp kiểm soát.
Yêu cầu bằng cấp gây “học giả, bằng thật”
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), nhận định nguyên nhân của việc “học giả bằng thật” như hiện nay xuất phát từ yêu cầu bằng cấp của các cơ quan tuyển dụng. Khi Nhà nước phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, người lao động buộc phải có thêm bằng cấp, chứng chỉ mới để đáp ứng yêu cầu việc làm.
Từ đó, học văn bằng 2, văn bằng 3 dần trở thành xu hướng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian vừa học vừa làm, dẫn đến tình trạng “mua bằng” nở rộ ở nhiều trường đại học.
Về việc sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh để “bắc cầu” làm mục đích khác, TS Khuyến đề xuất các cơ quan cần đặt ra tiêu chí riêng.
“Ví dụ, những người muốn học lên bậc cao hơn, cần có đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết hoặc phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chứ không phải “chạy” bằng 2 tiếng Anh để làm điều kiện đầu vào”, nguyên phó vụ trưởng đề xuất.
Ông Khuyến cho rằng văn bằng 2 tiếng Anh ở các trường đại học cũng nên đặt thời hạn 2 năm giống các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Sau 2 năm, kiến thức có thể mai một, thiếu tính cập nhật, người học cần học và lấy bằng mới để đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan làm việc hoặc cơ sở đào tạo.
Ông T., giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, cũng nhận thấy việc đặt thời hạn nhất định cho bằng tiếng Anh có lợi ích nhất định. Điều này khiến người học phải liên tục trau dồi, cập nhật kiến thức mới. Ví dụ, các chứng chỉ tiếng Anh ở nước ngoài như IELTS, TOEIC chỉ có thời hạn trong 2 năm. Nếu chứng chỉ hết hạn, học viên phải lấy chứng chỉ mới.
Nhưng thời hạn 2 năm, theo ông T., cũng có những bất cập như tốn kém thời gian và tiền bạc để học và thi.
“Không nên để chứng chỉ có giá trị vĩnh viễn, thay vào đó có thể đặt thời hạn 10 năm thi lại một lần, như thế sẽ phù hợp hơn”, Ông T. đề xuất.
Ngoài ra, ông T. cho rằng cơ quan Nhà nước cần xem xét và thống nhất khung chương trình chung cho việc đào tạo và cấp bằng cử nhân tiếng Anh. Tiếng Anh là ngành đặc thù, nếu đặt ra tiêu chuẩn quốc gia cho những trường đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh, việc kiểm soát chất lượng đào tạo và xử lý sai phạm sẽ thuận tiện hơn.