Hẹn anh Quang Luân – Việt kiều Đức, người điều hành Tổ chức phi chính phủ (FIT) tại Việt Nam trong một buổi chiều tháng 8 tại Hà Nội. Lúc đến, anh vẫn đang họp cùng mọi người. Anh bảo anh họp nguyên cả ngày quên cả thời gian ăn trưa. Trong một thời gian dài, anh đã làm việc không dưới 14 giờ/ngày kể cả thứ 7, chủ nhật vì bệnh nhân lao Việt Nam
Bỏ ngành tài chính để thành lập tổ chức phi chính phủ
Anh Võ Nguyễn Quang Luân, SN 1981, tại TP.HCM. Khi anh 6 tháng tuổi, gia đình anh chuyển sang Đức định cư. Đến năm 16 tuổi, anh được gia đình cho đi du học từ cấp 3 lên tới Đại học tại Mỹ về chuyên ngành Kỹ sư vi sinh và Toán học. Ra trường anh Quang Luân làm cho một công ty tư vấn cho ngành dược của Mỹ trong 2 năm, sau đó chuyển sang làm tài chính, tư vấn mua bán công ty ở New York.
Làm trong ngành tài chính thu nhập khá tốt nhưng sau đó, anh Luân cùng vợ quyết định về Đức làm cố vấn tài chính cho các công ty của Đức.
Với mong muốn được làm một công việc mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, năm 2011, hai vợ chồng anh Luân quyết định bỏ việc. Anh Luân sang Ấn Độ làm cho một tổ chức phi chính phủ về y tế. Ở trong tổ chức này, anh hiểu thêm được về bệnh lao, đây là bệnh có nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Qua 2 năm trải nghiệm, anh biết mình đã đi đúng hướng đi, anh sẽ hỗ trợ được người bị bệnh lao nghèo đói, không có điều kiện.
“Khi còn nhỏ, tôi được cha mẹ chăm lo đầy đủ. Tôi cũng được học tập ở các trường khá tốt, nên mình nghĩ phải làm gì đó cho những người khó khăn hơn mình. Nhưng tôi nghĩ mình là người Việt Nam, thì mình nên về quê hương góp phần vào việc chấm dứt và hỗ trợ cho những người bệnh lao nghèo nhất”. Với những suy nghĩ đó, năm 2012, anh Quang Luân thành lập Tổ chức phi chính phủ Freundeskreis Fur Internationale Tuberkulosehilfe E.V (FIT).
Tổ chức hướng đến tầm soát, tìm kiếm bệnh nhân lao trong các đối tượng nguy cơ và người có triệu chứng nghi lao trong cộng đồng, phát hiện sớm người bị bệnh lao đưa vào điều trị đúng theo quy chuẩn của chương trình chống lao quốc gia. Đồng thời, tư vấn chăm sóc bệnh nhân lao trong suốt quá trình điều trị bệnh lao, giúp bệnh nhân lao an tâm, tuân thủ điều trị, tránh thất bại điều trị và giảm thiểu bệnh nhân lao kháng thuốc trong cộng đồng.
Năm 2013, anh Quang Luân về Việt Nam xây dựng các mối quan hệ, đối tác, xây dựng kế hoạch mô hình. Năm 2014, anh chính thức triển khai các dự án.
Nói về những ngày tháng về Việt Nam, anh Quang Luân nhớ lại: “Khi về Việt Nam tôi xin được 14.000 USD trong đó là tiền của tôi, bố mẹ. Ngoài ra, tôi gửi 500 email cho bạn bè trong ngành tài chính, có người cho 20 USD, có người cho 50 USD, có người cho 500 USD… để triển khai dự án ở 3 phường tại TP.HCM sau đó ra 30 quận huyện trên khắp các tỉnh thành Việt Nam”.
“Tôi về Việt Nam làm trong lĩnh vực nhân đạo, từ lúc về nước đến bây giờ tôi gặp được nhiều người giúp đỡ, ủng hộ rất nhiều cho công việc. Tôi thấy mình thật may mắn”, anh nói.
Vì tâm huyết, mong muốn đóp góp cho người bệnh ở Việt Nam, anh Quang Luân ngày làm việc không dưới 14 tiếng đồng hồ kể cả thứ 7, chủ nhật.
Hiện tại tổ chức FIT có 3 văn phòng đại diện ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng với 50 người. Sau 8 năm hoạt động, tổ chức đã hỗ trợ 1.127 người bằng tiền mặt và giúp được 142.395 người sàng lọc lao bằng chụp phim X-quang miễn phí nhằm phát hiện, thu dung điều trị lao hơn 1.200 người.
Ngoài công việc điều hành tổ chức FIT, hiện tại, anh Quang Luân là đảm nhận vị trí thành viên Ban Giám đốc của Hiệp hội chống Bệnh lao và Bệnh phổi quốc tế (International Union Against Tuberculosis and Lung Disease); Ban xét duyệt hồ sơ nhà tài trợ Tổ chức Liên hiệp đối tác chấm dứt Bệnh lao (Stop TB Partnership) và Cơ quan Nghiên cứu và Sáng kiến của Vương Quốc Anh (UK Research and Innovation).
Giữ gìn những truyền thống người Việt
Dù lớn lên ở nước ngoài nhưng gia đình anh Quang Luân vẫn giữ được những truyền thống của người Việt Nam. “Từ nhỏ bố mẹ tôi đã dạy tôi rằng ‘Đừng có mất gốc”. Chính vì thế tôi luôn ý thức được mình là người Việt Nam và giữ gìn những truyền thống người Việt”.
Ở Đức, cả gia đình giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Bản thân anh Quang Luân tự học tiếng Việt. Khi sang Mỹ thăm ông bà nội và cô chú, anh đã đăng kí học thêm một khóa học tiếng Việt dài 6 tháng để giao tiếp tốt hơn. Bữa cơm gia đình với món ăn Việt Nam vẫn luôn hiện hữu. Năm 1990, bố mẹ anh mở một nhà hàng đồ ăn Việt, cuối tuần anh phụ giúp bố mẹ, nên học được cách nấu xào các món ăn Việt Nam.
Anh Quang Luân tâm sự: Từ khi sang Đức định cư, tôi được bố mẹ cho về nước thăm gia đình vào 1985, 1987, 2007, 2008. Mỗi lần về quê, tôi luôn cảm thấy hào hứng và thêm yêu quê hương mình. “Trong những nước tôi đã từng đi, thì tôi thấy Việt Nam nước đẹp nhất, có biển, có núi, có đồng bằng”, anh nói.
Năm 2013, khi chính thức về Việt Nam làm việc, anh Quang Luân cảm thấy đúng câu “như cá gặp nước”. Anh tự nhận thấy Việt Nam rất phù hợp với con người mình.
“Tôi có may mắn, cơ hội về Việt Nam làm việc và tìm hiểu văn hóa quê hương của mình. Đó là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi. Tôi được học thêm về ngôn ngữ, văn hóa, con người, hiểu thêm về nguồn gốc của mình cũng như lý giải ngày xưa cha mẹ mình dạy mình như thế nào. Tôi thích ăn thịt kho tàu, bún bò Huế, bún ngan, cơm gà, thích ăn gỏi cuốn, anh thích ăn cơm văn phòng để chọn các món. Tôi còn ăn được các món ăn như lẩu mắm, mắm tôm…
Sau 8 năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam, anh Quang Luân ngày càng thêm yêu con người và đất nước Việt Nam. Chính vì thế, anh Quang Luân mong rằng tổ chức của mình có thể thực hiện được nhiều dự án, giúp được nhiều người dân Việt Nam hơn nữa.
“Có lẽ vì tôi mang trong mình dòng máu Việt nên đối với tôi, Việt Nam thực sự là nhà. Có quá nhiều điều thú vị đang xảy ra xung quanh tôi và rất nhiều con người cần được giúp đỡ”, anh Quang Luân chia sẻ.