‘Mẹ không thể đánh đổi sự bình an của con để lấy kết quả học tập tốt hơn bởi cái theo con suốt cả cuộc đời không phải giấy khen, điểm số mà là những trải nghiệm’, cô Hạnh viết.
“Con trai à, mẹ con mình đã chọn trường top dưới vừa với sức con, nhưng năm nay, trường ấy có mức điểm chuẩn vượt lên trên một số trường và con không vào được. Cú ngã này khiến con đau khổ rất nhiều, nhưng cũng giúp con suy nghĩ nhiều hơn về bản thân”.
“Nếu đậu lớp 10, con chỉ có một con đường. Còn giờ đây, con có 3 con đường để lựa chọn: học trung tâm giáo dục thường xuyên, học cao đẳng nghề hoặc ôn tập để thi lại năm sau. Đích đến cuối cùng của con người không phải học trường nào hay kết quả học tập ra sao mà là trở thành một người có ích và biết cách sống hạnh phúc, bình an”.
Đó là những dòng tâm sự trong lá thư cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hùng Vương (Hải Châu, Đà Nẵng), gửi cho con trai sau khi cậu thi trượt vào lớp 10.
“Tôi đã in lá thư ra cho con đọc, bạn ấy cũng nhận ra một số điều từ đó. Tuy nhiên, tôi chưa gặng hỏi sâu xem con đã vỡ ra những gì, chỉ có thể tiếp cận tâm tư của con mỗi ngày một chút, sợ con còn buồn”, cô Hạnh nói với Zing.
Nữ giáo viên cho hay dù cô và chồng có chút buồn khi con thi trượt, cả hai đồng ý rằng thất bại lần này là cần thiết để con trai thoát khỏi trạng thái “lửng lơ”. Trước đó, suốt 4 năm học cấp 2, nam sinh đã dễ dàng thỏa hiệp với những ham muốn của bản thân và cần thay đổi.
Cô Hạnh hiểu rằng hiện tại, điều khó khăn nhất với con trai là áp lực về cái nhìn của bạn bè, người thân trước kết quả thi cử vừa rồi. Tuy nhiên, cô và gia đình luôn ở bên để động viên, giúp con vượt qua cảm xúc tiêu cực.
“Gia đình mình vẫn vui vẻ, bình an sau kết quả đó. Ba vẫn chở con đi dạo mỗi tối. Mẹ vẫn cùng con nhìn lại vấn đề và tiếp tục tính con đường đi tiếp sao cho phù hợp nhất với con. Chưa bao giờ ba mẹ lại thống nhất với nhau về giáo dục như cách nhìn nhận vấn đề của con hiện nay”, cô Hạnh nói.
Vị phó hiệu trưởng hy vọng con có khả năng đối đầu với thất bại, có ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, biết ơn những trở ngại cuộc sống đem đến cho mình để trưởng thành hơn.
Cô Hạnh kể con trai mình mắc “chứng sợ học” do một cú sốc từ trước khi vào lớp 1. Gia đình không gò ép nam sinh trong việc học vì hiểu rằng muốn giúp cậu vượt qua được nỗi sợ phải “để con tự trả giá, nhận ra giá trị của việc học thì mới có thể tự nguyện học tập”.
Cô nói rằng không thể đánh đổi sự bình an của con để lấy kết quả học tập tốt hơn bởi cái đi theo con người suốt cả cuộc đời không phải là giấy khen, điểm số trong học bạ mà là những trải nghiệm.
Là nhà giáo, cô Hạnh biết nhiều trẻ em đã mất sự kết nối với cha mẹ bởi áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn. Nữ giáo viên coi đó là thiệt thòi lớn nhất của con người. Cô nhận mình là một người mẹ bình thường và có những mong ước về con cái cũng hết sức giản dị, chỉ muốn con được bình an.
“Tôi và các con không có khoảng cách, những chuyện được xem khó nói vẫn có thể trao đổi với nhau. Thường ngày, cả gia đình hay tâm sự và trêu đùa để kết nối với nhau nhiều hơn. Tôi vui vì sau ít ngày buồn bã, giờ con đã ổn định hơn và bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề của mình”, cô Hạnh nói.