Cộng đồng người Việt ở Israel hiện có khoảng vài trăm người nhưng khá may mắn là suốt một năm rưỡi qua, chỉ có 1 người mắc Covid-19
Thật vậy, với một người làm du lịch và ưa xê dịch như tôi, chôn chân một chỗ thực sự là một cực hình.
Nhưng vì dịch Covid-19, tôi và gia đình đã phải chịu tới 3 đợt phong tỏa, kéo dài tới tận ngày 5-2-2021 với các quy định ngặt nghèo. Chẳng hạn không được đến nhà người khác, không được đi ra ngoài bán kính 1.000 m cách nơi sinh sống (tất nhiên là ngoại trừ một số trường hợp như đi khám chữa bệnh, đi làm hoặc đi học ở những địa điểm được cấp phép…, với điều kiện tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội). Mức phạt cho mỗi trường hợp vi phạm là 500 NIS (khoảng 155 USD).
Israel từng là nước có tỉ lệ người mắc Covid-19 trên số dân cao nhất thế giới. Những đợt phong tỏa, mỗi ngày đọc tin tức, thật sự biết bao nhiêu lo lắng. Bây giờ, với việc dẫn đầu thế giới về tiêm vắc-xin Covid-19, chúng tôi đã trở về cuộc sống như trước khi có dịch Covid-19.
Israel đã hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 cho trên 70% các đối tượng đủ tiêu chuẩn và đang lên kế hoạch tiêm cho nhóm trẻ em 12-15 tuổi. Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng tuyên bố sẽ không có đợt phong tỏa thứ 4 và thực tế đã đúng như thế.
Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein lý giải việc Israel đang “trở lại cuộc sống bình thường” là nhờ hệ thống y tế thực hiện xuất sắc công việc và sự tuân thủ tuyệt vời của công dân cũng như chiến dịch tiêm chủng được thực hiện tốt nhất. Chính phủ Israel đã kích hoạt chiến dịch tiêm chủng đại trà vào ngày 20-12-2020 với ưu tiên là nhân viên y tế, người có nguy cơ lây nhiễm cao và người từ 60 tuổi trở lên.
Hồi tháng 3, khi báo chí Israel đồng loạt đăng hình ảnh Thủ tướng Netanyahu ăn bánh và uống trà cùng Thị trưởng Jerusalem Moshe Lion bên ngoài một quán cà phê với tuyên bố “các nhà hàng đang sống lại”, chúng tôi đã ngời ngời hy vọng.
Ba tháng nay, khi cả nước bắt đầu “ăn chơi nhảy múa”, chúng tôi tranh thủ đi bù cho 1 năm ở nhà bó gối. Mỗi cuối tuần lại đến một địa điểm nổi tiếng: biển Chết, thánh địa Jerusalem, biển hồ Gallile, Naharya, Tel Aviv, sa mạc đá Negev… Cuối tuần này, tôi có kế hoạch đi cao nguyên Golan cùng các anh chị người Việt. Tuần sau lại đi biển Đỏ tại Eilat.
Người dân Israel ra đường đã không còn phải đeo khẩu trang, trừ khi vào siêu thị hoặc đi xe buýt. Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ được dỡ bỏ từ ngày 15-6. Israel đã dỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế xã hội sau hơn 1 năm áp dụng dựa trên tình hình thực tế số ca mắc đã thấp và ổn định trong thời gian dài. Mỗi ngày chỉ còn vài ca mắc Covid-19 – một con số có thể coi là rất bình thường, như “không có gì”.
Người dân cũng không còn phải trình “thẻ xanh” chứng nhận đã tiêm phòng hoặc đã miễn dịch khi đặt chân tới các địa điểm đông người trong không gian kín như nhà hàng, quán bar… Các cơ quan, văn phòng không còn bị giới hạn số lượng nhân viên có mặt cùng lúc. Các sự kiện đông người, kể cả trong nhà hay ngoài trời, không còn bị giới hạn số lượng người tham gia.
Dân Israel cũng đã có thể đi du lịch 58 nước mà không phải cách ly. Các sân bay quốc tế đã mở cửa để đón người Israel về nước. Tuy nhiên, khách nước ngoài muốn vào Israel thì phải đi theo đoàn, khách lẻ vẫn chưa được phép. Các điểm du lịch của Israel luôn trong tình trạng đông kín khách, còn khách sạn nếu không đặt trước thì hãy tin đi – luôn ở tình trạng không còn phòng.
Cộng đồng người Việt ở Israel hiện có khoảng vài trăm người nhưng khá may mắn là suốt một năm rưỡi qua, chỉ có một người mắc Covid-19. Đó là một lao động làm việc tại nông trại. Chính phủ Israel tiêm vắc-xin Covid-19 miễn phí cho mọi người dân đang sống ở đất nước này, bất kể lao động hợp pháp hay bất hợp pháp.
Tuần trước, chúng tôi vừa có một buổi “tụ tập”, tắm biển, ăn chơi, tham quan tại biển Chết từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối. Trong 1 phút ngẫu hứng, gần 40 người, gồm cả sinh viên Lào và Campuchia sang đây học nông nghiệp cùng các sinh viên Việt Nam, bàn kế hoạch bắt xe buýt từ Netanya đi biển Chết. Đó là một ngày rất nhiều yêu thương, khi những người con xa xứ được ở bên nhau, hướng về Tổ quốc.