Bộ GD&ĐT vừa ban hành thể lệ cuộc thi ‘Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp’ năm 2019 (SV. START UP -2019) và yêu cầu các sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng triển khai cuộc thi tới học sinh, sinh viên thuộc đơn vị mình.
Cuộc thi nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665 ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là lần thứ hai cuộc thi được triển khai tại các trường trung học phổ thông và trường đại học, cao đẳng trên cả nước nhằm khích lệ học sinh, sinh viên xây dựng và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp khi còn chưa tốt nghiệp, đồng thời tạo cầu nối để học sinh, sinh viên có thể tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Vòng chung kết toàn quốc sẽ diễn ra đầu tháng 10/2019, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tại Lễ phát động cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức mới đây, Em Nguyễn Thị Ngọc Lan, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, với dự án sản xuất quần lót từ tre có xử lý kháng khuẩn Chirtoson, nhóm của Lan đã đoạt giải Ba cuộc thi “SV.STARTUP” năm 2018.
Chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của nhóm về hành trình khởi nghiệp, Ngọc Lan kể: Nhìn lại chặng đường hơn một năm trước, khi là sinh viên năm cuối ngồi trên ghế giảng đường, em thực sự băn khoăn về việc liệu mình có thể làm được gì sau khi tốt nghiệp, liệu những kiến thức về kế toán, kinh tế, đầu tư của mình đã được học có giúp gì được cho cuộc sống hay không?
Em thường lo lắng về việc liệu mình là sinh viên, mình không có nhiều vốn, không có nhiều kinh nghiệm thực tế, gia đình mình cũng chưa một ai có kinh nghiệm khởi nghiệp, vậy thì em phải làm gì để “bắt đầu hành trình khởi nghiệp” của mình. Em hiểu rất nhiều bạn trẻ hiện nay cũng có những suy nghĩ như vậy, bởi vì chúng ta chưa dám dấn thân vào một vấn đề “mới” vì chúng ta sợ: Sợ rằng chúng ta chưa đủ nghị lực, chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt là luôn sợ thất bại.
Tuy nhiên, khi quyết định tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” em mới thực sự nhận ra khởi nghiệp nói chung, và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng không phải là thứ gì đó quá viển vông, nó chỉ đơn giản một lời giải cho một nhu cầu hiện có trong xã hội. Ý tưởng khởi nghiệp của chúng ta có thể đi giải quyết một bài toán mới, một nhu cầu mới trong cuộc sống, hoặc cũng có thể đi giải quyết một bài toán đã cũ, nhưng theo một cách mới hơn, sáng tạo hơn và đem lại giá trị cho xã hội.
Trước cuộc thi, chúng em đã thực sự lo lắng vì đây là một cuộc thi có quy mô toàn quốc, và có rất nhiều đối thủ mạnh, là những dự án thực sự xuất sắc và thậm chí đã được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm rót vốn. Nhưng chính những sự lo lắng đó lại là động lực, là chất xúc tác quan trọng nhất giúp Chitoson nói riêng và tất cả 9 đội thi khác nói chung đi được tới ngày hôm nay.
Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, chúng em cũng đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ phía các thầy cô trong trường, từ các thầy cô trong ban cố vấn, sự giúp đỡ, chia sẻ tâm huyết nhất của các tổ chức, cá nhân là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp. Sau khi thành công tại cuộc thi, ngoài số tiền 50 triệu đồng được nhận được từ ban tổ chức cuộc thi, chúng em đã nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều từ các nhà đầu tư trong nước.
Em nghĩ, điều quan trọng hơn cả, mà tất cả chúng em đã nhận được đó là tinh thần và tâm thế của một người khởi nghiệp thực sự đó là việc dám nghĩ, dám làm, dám chiến thắng nỗi sợ thất bại của bản thân để dấn thân làm một điều mới, để tạo dựng nên cho riêng chúng ta một ước mơ. Ước mơ đó có thể là xa vời, là cực kỳ khó theo đuổi, nhưng chúng em là những người trẻ, chúng em không dám chắc chắn rằng mình sẽ thành công khi theo đuổi ước mơ đó, nhưng chúng em nhận ra rằng con đường theo đuổi ước mơ của mình là con đường đẹp nhất. Vì khởi nghiệp không chỉ là đích đến mà khởi nghiệp thực sự là một con đường mà mỗi sự thành công hay thất bại sẽ dẫn dắt chúng ta sang một con đường mới ngày càng tốt đẹp hơn.
Cuộc thi “SV.STARTUP” đã tạo ra một sân chơi bổ ích và đầy tính nhân văn, không chỉ phát hiện và ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà còn truyền cảm hứng về làn sóng khởi nghiệp tới cho cộng đồng và xã hội.
Em muốn nhắn nhủ tới tất cả các bạn học sinh, sinh viên rằng: “Cứ đi rồi sẽ đến, con đường dù có dài đến đâu, có khó khăn đến mấy, chỉ cần có đủ quyết tâm và cố gắng, nhất định chúng ta sẽ tới được đích. Cũng như trong cuộc sống, chúng ta không thể biết ước mơ của mình có trở thành hiện thực hay không, nhưng chúng ta phải luôn có những ước mơ và hãy học tập, rèn luyện, lao động thất tốt để theo đuổi ước mơ của chính mình và đó chính là con đường đẹp nhất”.
Học sinh, sinh viên có thể tham dự cuộc thi theo hình thức thi cá nhân hoặc thi theo nhóm. Bài dự thi trình bày trên khổ giấy A4 bằng tiếng Việt. Ngoài bản thuyết minh dự án, bài dự thi có thể kèm theo sản phẩm mô tả bằng clip hoặc hình ảnh.
Mỗi trường đại học hoặc mỗi Sở GD&ĐT chọn 2 dự án xuất sắc nhất để tham dự vòng thi cấp toàn quốc, hạn cuối gửi bài dự thi là ngày 16/8/2019.
Bài dự thi gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, số 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội; hoặc gửi theo địa chỉ email: [email protected] bằng bản PDF và các minh chứng dưới dạng ảnh hoặc clip.
Ban tổ chức sẽ công bố danh sách các dự án được chọn vào vòng chung kết cuộc thi trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ: http://www.moet.gov.vn hoặc Cổng Thông tin khởi nghiêp tại địa chỉ: http://www.congkhoinghiep.