Các trường đại học Úc cho phép sinh viên Trung Quốc ‘lách luật’ để tránh được lệnh hạn chế đi lại và quay trở lại học tập tại đất nước này. Nhưng nhiều người cho rằng, điều đó có thể khiến virus lan rộng tới các trường ở Úc.
Tháng trước, Úc ra lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách từng ở Trung Quốc hoặc quá cảnh ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Quyết định này được đưa ra khi lo ngại về Covid-19 đang lan ra ngoài Trung Quốc đến hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới. Ít nhất 93.000 người đã nhiễm bệnh trên toàn cầu và hơn 3.000 người chết cho đến nay.
Do lệnh cấm của chính phủ, nhiều sinh viên Trung Quốc đã không thể vào nước Úc để bắt đầu năm học mới vào tháng 2.
Để phá vỡ lệnh cấm, một số sinh viên đã đi đến nước thứ 3, nơi họ trải qua 14 ngày tự cách ly trước khi vào Úc. Trong một số trường hợp, các trường đại học còn đồng ý hỗ trợ tài chính để sinh viên thực hiện chuyến đi đó, trong khi số khác cho phép những sinh viên không thể hoặc chưa muốn quay lại vì lệnh cấm có thể học trực tuyến.
Thực tế đó đã gây lo ngại khi vừa qua, một sinh viên 20 tuổi tại ĐH Queensland đã có kết quả dương tính với virus corona. “Học sinh đến từ Trung Quốc này đã tới Dubai ít nhất hai tuần trước khi vào Úc. Hai ngày sau đó, cậu bắt đầu cảm thấy không khỏe”, Cơ quan Y tế Queensland cho hay.
Các nhà chức trách hiện đang xem xét nơi sinh viên này có thể bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, nhiều sinh viên được cho đã “tự cách ly ở một nước thứ 3” đã ra ngoài cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Úc Dan Tehan cho biết, sự an toàn của người Úc là ưu tiên số một của chính phủ nước này và Bộ luôn tuân thủ theo những khuyến cáo của các chuyên gia y tế.
“Chính phủ chưa bao giờ khuyến khích sinh viên từ Trung Quốc đại lục đi đến một nước thứ 3 khoảng 14 ngày trước khi vào Úc”.
Trong khi đó, các trường đại học Úc cho biết vẫn đang tuân theo các hướng dẫn của chính phủ để quyết định sinh viên nào được phép quay lại trường.
Du học sinh Trung Quốc cầm trên tay văn bản do chính phủ Úc quy định về việc ngưng nhập cảnh.
Sinh viên nước ngoài là một nguồn thu quan trọng cho các trường đại học ở Úc và tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm gần đây.
Trong số đó, sinh viên Trung Quốc chiếm phần lớn lượng sinh viên quốc tế tại Úc, chiếm khoảng 0,6% GDP nước này. Dữ liệu từ Bộ Giáo dục năm 2019 cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục đại học, 37,3% nguồn tuyển sinh nước ngoài đến từ Trung Quốc.
Phó giáo sư Salvatore Babones, một học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Độc lập cho rằng, 9 trường đại học hàng đầu của Úc phụ thuộc vào sinh viên Trung Quốc với tổng doanh thu 2,8 tỷ đô la Úc mỗi năm.
Nếu dịch bệnh bùng phát vào giữa năm nay, những tổ chức đó có thể sẽ bị mất doanh thu khoảng 1 tỷ đô la Úc. Một nửa trong số đó sẽ tập trung tại 3 trường đại học của Sydney.
Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Úc cũng đã cảnh báo về mức thiệt hại từ 6 đến 8 tỷ đô la Úc nếu sinh viên Trung Quốc không thể tham dự học kỳ đầu tiên.
Tháng trước, Moody cho biết tác động đối với các trường đại học Úc sẽ vẫn có thể kiểm soát được nếu dịch bệnh chấm dứt trong vòng vài tháng tới.
Sinh viên nước ngoài là một nguồn thu quan trọng cho các trường đại học ở Úc
Các trường đại học Úc đã đưa ra cách giải quyết riêng trước lệnh hạn chế đi lại tại quốc gia này.
ĐH Tây Sydney cho biết đã hỗ trợ những sinh viên bị ảnh hưởng khoảng 1.500 đô la Úc để bù đắp chi phí nếu họ chọn quá cảnh ở một quốc gia khác.
ĐH Quốc gia Úc cho biết cũng sẽ bồi hoàn 5.000 đô la Úc cho khoảng 4.000 sinh viên Trung Quốc bị ảnh hưởng vì các chi phí phát sinh do lệnh cấm nếu họ vẫn đăng ký sau tháng 3. Đại học này cũng đang hỗ trợ tài chính cho sinh viên tham gia học từ xa trong học kỳ đầu tiên.
ĐH Macquarie cho biết cũng đưa ra nhiều phương án cho khoảng 1.800 sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như được đăng ký muộn, tổ chức các lớp học trực tuyến và các khóa học bổ sung trong các học kỳ sau.
Đại diện Hiệp hội các trường đại học Úc, ông Catriona Jackson cho biết, các sinh viên đến Úc học tập và nghiên cứu vì các trường đại học tại đây mang đẳng cấp thế giới. Hiện lệnh cấm du hành tạm thời không ảnh hưởng đến danh tiếng của các trường đại học này.
Trường Giang(Theo CNBC)