Dẹp chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C là dẹp một phần tiêu cực trong thi cử để lấy bằng ngoại ngữ. Bởi vì, hãy cứ nói thẳng với nhau, rất nhiều nơi bán chứng chỉ ngoại ngữ, chất lượng không đồng đều.
Chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C đã quá lạc hậu, tại sao vẫn cứ để tồn tại, câu trả lời là vì phải để nó tồn tại để nuôi sống các trung tâm luyện thi chứng chỉ A,B,C, trong đó chủ yếu là tiếng Anh. Còn các trung tâm đó nuôi sống ai đã quá rõ.
Rất nhiều thủ tục hồ sơ có liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C như hồ sơ công chức, hồ sơ xin việc (cơ quan nhà nước), hồ sơ tốt nghiệp đại học của các trường đại học công, hồ sơ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
Tuy nhiên, cũng có một số trường đại học chỉ công nhận bằng TOIEC, TOEFL, IELTS, như Trường ĐH Luật TP.HCM đặt ra yêu cầu đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có trình độ ngoại ngữ và quy định chuẩn đầu ra phải đạt từ 450 điểm TOEIC trở lên. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM bắt đầu áp dụng chuẩn TOEIC từ cách đây hơn 10 năm, bởi vì các nhà tuyển dụng không tin vào chất lượng của chứng chỉ tiếng Anh A,B,C. Trong lĩnh vực ngân hàng, dốt tiếng Anh thì coi chừng “bán nhà” như chơi.
Còn lại, tất cả các đối tượng kiếm cái chứng chỉ A,B,C để làm đẹp hồ sơ phần lớn học hành loẹt quẹt, thi cử lôi thôi cũng có bằng. Cầm bằng C trong tay nhưng không mở miệng nói được câu tiếng Anh cho đàng hoàng là chuyện bình thường. Cho nên, dẹp chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C là dẹp một phần tiêu cực.
Hãy cứ nói thẳng với nhau, rất nhiều nơi bán chứng chỉ ngoại ngữ, sản phẩm bán ra chất lượng không đồng đều.
Các trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm và các lò luyện thi chứng chỉ tiếng Anh A, B, C ăn nên làm ra một thời. Nhưng nay, đã có các trung tâm dạy tiếng Anh bằng cấp chuẩn quốc tế, do các tổ chức có uy tín cấp, đó là bằng TOIEC, TOEFL, IELTS. Học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học các nước cũng chỉ yêu cầu các loại bằng cấp này, chẳng nước nào tin vào chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C của Việt Nam.
Đã hội nhập quốc tế thì trước hết hãy “hội nhập” ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất. Hội nhập bằng cách gì, đó là thi cử, công nhận bằng cấp tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Thêm nữa, cũng nên quy định học sinh, sinh viên đã có bằng TOIEC, TOEFL, IELTS (đưa ra mức điểm), có thể miễn học môn tiếng Anh trong nhà trường theo từng lớp học, cấp học. Và đương nhiên, khi xin việc, hoặc học lên cao sau đại học, cứ theo chuẩn để tính mức điểm tương đương. Ví dụ, thạc sĩ tương đương IELTS 6.5, tiến sĩ 7.
Cái thời chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C làm mưa làm gió trên thị trường bằng cấp ngoại ngữ đã qua rồi. Khai tử là vừa.