Học kỳ II, ĐH RMIT Việt Nam sẽ dạy trực tiếp và có 30 môn sẽ dạy trực tuyến hoàn toàn.
Ngày 29-5, Trường ĐH RMIT Việt Nam ra thông báo về kế hoạch giảng day trong học kỳ II năm học 2019-2020.
Thông cáo của ĐH RMIT Việt Nam, cho biết khi đại dịch COVID-19 biến thành khủng hoảng sức khỏe toàn cầu vào đầu năm nay, lĩnh vực giáo dục phải đối mặt với câu hỏi làm cách nào để học sinh, sinh viên có thể tiếp tục việc học bình thường.
Sau khoảng thời gian không chắc có thể mở cửa trường hay không kéo dài từ tuần này sang tuần khác, vào tháng 3, RMIT Việt Nam đã thông báo chuyển toàn bộ các môn học sang giảng dạy trực tuyến đến cuối tháng 6. Bước chuyển này được thiết lập nhằm tạo sự ổn định và hỗ trợ sinh viên thành công trong học tập. Trước đó vào tháng 2, các khóa tiếng Anh mở rộng chuyển tiếp lên đại học của nhà trường cũng chuyển đổi mạnh mẽ thành công sang mô hình trực tuyến.
Điều giúp bước chuyển đổi này diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ chính là do nhà trường được tiếp cận với kho tàng chuyên môn về dạy và học trực tuyến trong nhiều thập kỷ qua của ĐH RMIT toàn cầu.
Giáo sư Rick Bennett, Giám đốc cấp cao phụ trách Học thuật tại RMIT Việt Nam, cho biết khi quyết định chuyển sang trực tuyến vào thời điểm cách ly toàn xã hội, điều đầu tiên nhà trường thực hiện là xem lại toàn bộ 190 môn học hiện có và thấy rằng phần lớn các môn này đều vẫn có thể truyền tải rất thành công qua những phương pháp giảng dạy trực tuyến tốt nhất.
“Việc tiếp cận với nguồn tư liệu học tập không có gì thay đổi, chỉ có phương thức truyền tải là khác biệt, thậm chí còn sinh động hơn trước đây. Sinh viên tiếp tục nhận phản hồi về việc học của các em từ những gì các em thực hiện trực tuyến và từ bài tập về nhà. Các em còn tiếp tục nhận được tư vấn đặc biệt về cách nâng cao kỹ năng và làm thế nào để tiến bộ”- Giáo sư Rick Bennett, nói
Học kỳ I sắp kết thúc và nguy cơ từ đại dịch cũng giảm xuống, trường vừa thông báo sẽ dạy trực tiếp vào học kỳ 2 và có 30 môn sẽ dạy trực tuyến hoàn toàn.
“Chúng tôi nhận thấy sinh viên thể hiện tốt tính bền bỉ và khả năng thích nghi với cách học mới này và nhiều sinh viên cho biết các em thích sự linh hoạt có được từ đây còn hơn học trên giảng đường”.
Đại dịch buộc chúng ta phải thay đổi tư duy và điều này sẽ có thể cảm thấy rõ nét trong những năm tới đây, Giáo sư Peter Coloe, Chủ tịch ĐH RMIT Việt Nam chia sẻ.