Không chỉ trúng tuyển vào những trường hàng đầu, Nguyễn Đức Anh Phú còn nhận được học bổng hơn 7 tỷ đồng từ Đại học Harvard (Mỹ).
Với niềm đam mê về kinh doanh và lập trình, Nguyễn Đức Anh Phú (sinh năm 2003) đã thuyết phục hội đồng tuyển sinh của ĐH Harvard (Mỹ) chọn mình nhờ bài luận về các dự án cộng đồng và khởi nghiệp.
Chàng trai cũng là một trong số ít nam sinh Việt Nam nhận được suất học bổng toàn phần (78.000 USD/năm) cho thời gian theo học tại đây.
Anh Phú cho biết kết quả học tập chỉ chiếm khoảng 50% kết quả ứng tuyển, một nửa còn lại là nhờ sự nhiệt huyết với các hoạt động ngoại khóa.
“Em nhận thấy Harvard chú trọng những ứng viên đa năng, hoạt bát. Bên cạnh học giỏi, họ còn phải thể hiện những điểm mạnh của bản thân như tự mở công ty hay tham gia nhiều dự án vì cộng đồng”, Phú chia sẻ với Zing.
Thành tích nổi bật
Anh Phú cùng gia đình đến bang Nebraska (Mỹ) từ năm 2009, lúc đó cậu mới 6 tuổi. Trải qua thời gian dài sinh sống tại xứ cờ hoa, Phú có cơ hội thử những thứ mới lạ và tiếp cận với cách học hiện đại.
Qua đó, nam sinh hiểu thêm về bản thân cũng như hoài bão, con đường tương lai của mình.
Chia sẻ về phương pháp học tập, Phú cho hay cậu tập trung tiếp thu kiến thức nhiều nhất ở trường, hạn chế thời gian học ở nhà để tham gia các hoạt động khác.
Với chiến lược như vậy, Phú xuất sắc đạt 34/36 điểm ACT (viết tắt của American College Testing, bài thi xét tuyển đầu vào của các trường đại học tại Mỹ).
Ngoài nộp đơn vào Harvard, Phú cũng đăng ký ứng tuyển ở một số trường khác như Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Pennsylvania, Cornell, Creighton, UNO, UNL và nhận được lời chấp thuận 5/8 trường.
Trong đó, ĐH Stanford đã đề nghị học bổng 72.000 USD/năm vì ấn tượng trước thành tích nổi bật của Phú.
Tuy nhiên, nam sinh 18 tuổi quyết định sẽ chọn ĐH Harvard như dự kiến ban đầu.
“Em vẫn còn nhớ như in đó là ngày 6/4, lúc mở kết quả ra, cả gia đình đều không tin vào mắt mình. Mẹ em còn bật khóc. Còn em thì tối đó không ngủ được vì vui. Hôm sau đi học thì thầy cô và các bạn đều ngạc nhiên rồi chúc mừng em”, Phú kể lại cảm xúc lúc nhận được tin trúng tuyển.
Dự định học song song ngành kinh tế và lập trình, Phú cho hay cả 2 đều là sở trường và đam mê của cậu. “Kinh tế có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, còn lập trình là nền tảng để tạo ra những bước nhảy vượt bật”, Phú nói.
Trong bài luận chính thức gửi ứng tuyển tới ĐH Harvard, Phú đã viết về hành trình từ Việt Nam đến Mỹ, những khó khăn mà gia đình cậu đã trải qua và cách bắt đầu một công ty.
Ngoài ra, trong bài luận phụ, Phú viết sâu hơn về quá trình khởi nghiệp và niềm đam mê của mình với những hoạt động ngoại khóa.
Tin vào chính mình
Phú chia sẻ sự tự tin vào bản thân chính là điểm mạnh lớn nhất của cậu. Từ nhỏ, Phú đã say mê trau dồi những kỹ năng cần thiết và mở rộng vốn hiểu biết của mình.
Ngoài điểm ACT cao, Phú còn khiến nhiều người bất ngờ khi có thể thông thạo tiếng Tây Ban Nha.
Bên cạnh đó, cậu còn biết múa lân, chơi đàn piano, sửa máy móc, xếp Lego, tham gia các câu lạc bộ ở trường và địa phương.
“Em từng sáng tạo nhiều sản phẩm từ trò chơi này. Một lần, em đăng máy soạn tiền xu bằng Lego lên mạng và nhận được phản hồi rất tích cực. Nhiều người còn muốn mua máy của em. Em cũng từng dự một cuộc thi xếp Lego”, Phú hào hứng kể.
Chàng trai sinh năm 2003 bắt đầu tự kinh doanh từ lúc học lớp 10. Một lần vô tình làm rơi điện thoại, cậu tự mày mò cách sửa trên mạng và phát hiện ra niềm yêu thích với công việc này. Từ đó, Phú bắt đầu học cách sửa nhiều loại điện thoại khác nhau.
Cậu thành lập một công ty chuyên mua bán và sửa chữa điện thoại di động tên là Phu’s Phone Emporium.
Doanh nghiệp nhỏ của Phú từng hai lần giành giải nhất trong một cuộc thi về kế hoạch kinh doanh của học sinh toàn bang Nebraska. Đến nay, Phú đã có hơn 1.500 khách hàng và kiếm được khoảng 250.000 USD trong hai năm.
“Bất kể làm việc gì cũng cần tinh thần ham học hỏi, kiên nhẫn theo đuổi thì sẽ có ngày gặt được kết quả. Ngoài ra, nếu có cơ hội, em cũng sẽ thử sức ở những cuộc thi lớn nhỏ”.
Nam sinh chia sẻ thần tượng lớn nhất của mình là bố mẹ. Theo lời kể của Phú, gia đình cậu qua Mỹ để “làm lại từ đầu” bất chấp những chông gai của môi trường mới, sự khác biệt ngôn ngữ, khí hậu, văn hóa và tập quán.
Phú đã học múa lân, chơi rubik, Lego, khả năng kinh doanh từ bố. Còn mẹ là người đã giúp cậu vững tin hơn vào định hướng của bản thân.
“Thử thách của em tại Harvard mới bắt đầu. Em biết sắp tới sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng em không sợ thất bại. Điều em sợ nhất là tự làm hàng rào ngăn cách chính mình. Vì thế, em sẽ cố gắng bước ra khỏi vùng an toàn và nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của bố mẹ”, Phú bày tỏ.