Dù chăm chỉ, tài giỏi và đầy tiềm năng, người trẻ châu Á luôn cảm thấy bản thân không xứng đáng với những thành tựu đạt được.
Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến “hội chứng kẻ mạo danh” ở giới trẻ châu Á.
Raj Raghunathan, giáo sư trường kinh doanh McCombs thuộc Viện Đại học Texas-Austin (Mỹ), khẳng định địa vị xã hội, tài sản kếch xù hay học vấn uyên bác không đem lại hạnh phúc cho con người.
Ngược lại, những cá nhân xuất chúng thường có xu hướng đánh giá thấp bản thân bằng cách so sánh thành tựu của mình với người khác, Raghunathan viết trong cuốn sách If You’re So Smart, Why Aren’t You Happy.
Hiện tượng tâm lý này là “impostor syndrome”, hay “hội chứng kẻ mạo danh”, chỉ trạng thái tự ti, hoài nghi về chính mình của con người. Họ cho rằng bản thân không xứng đáng với thành công đạt được, không đủ giỏi để đáp ứng kỳ vọng của xã hội.
Nhiều nghiên cứu cho thấy đối tượng phổ biến của hội chứng trên là phụ nữ, người thành đạt và người trẻ châu Á – thành quả của phương pháp giáo dục “thương cho roi, cho vọt”.
Những “kẻ mạo danh”
Karen Ng (29 tuổi) là một dược sĩ người Hong Kong, hiện sinh sống và làm việc tại Ontario, Canada. Trưởng thành dưới sự dạy dỗ của “cha mẹ hổ”, Karen có xu hướng đánh giá thấp bản thân và quá để tâm tới thất bại của mình.
Dù cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ của Đại học Toronto – một trong những trường hàng đầu xứ sở lá phong, Ng vẫn cảm thấy tự ti vì cha mẹ không ủng hộ cô theo đuổi ngành dược.
“Tôi hiếm khi cảm thấy tự hào về bản thân và rất sợ mắc sai lầm. Thời đi học, tôi thường hỏi giáo viên liên tục để chắc chắn mình đang làm đúng, khiến thầy cô lầm tưởng tôi không hiểu bài. Tôi đã lớn lên cùng suy nghĩ: ‘Mình phải làm đúng như những gì người khác bảo'”, cô trải lòng.
Tương tự Karen Ng, cô gái lai Trung – Mỹ Victoria Yu (26 tuổi), đang theo học thạc sĩ ngành luật và ngoại giao tại Đại học Tufts (Boston, Mỹ), luôn thúc ép bản thân trở thành người xuất sắc về mọi mặt.
Yu chia sẻ rằng cô có dấu hiệu mắc “hội chứng kẻ mạo danh” từ năm cấp 3. Khi ấy, cô cảm thấy bị “mắc kẹt” giữa kỳ vọng của gia đình và sự cạnh tranh giữa bạn bè đồng trang lứa.
“Mỗi mùa tuyển sinh, các bậc phụ huynh trường tôi thường khoe khoang với nhau rằng những đứa con ‘tầm thường’ của họ dự định nộp hồ sơ vào các trường top đầu như Harvard, Yale, Princeton, UCLA…”, cô kể lại.
Victoria Yu từng là sinh viên ngành văn học tại trường Cao đẳng Wellesley (Massachusetts, Mỹ), nơi đào tạo hàng loạt nhân tài như Hillary Clinton hay Madeleine K. Albright. Nhưng sau khi tốt nghiệp, mẹ cô lại muốn con gái theo lĩnh vực khác “danh giá hơn”.
“Một người bạn của mẹ tôi nhận xét tôi ‘rất phù hợp với tập đoàn tư vấn quản trị McKinsey’. Vì thế, bà ấy thuyết phục tôi làm công việc này, nói rằng đây sẽ là bước đệm cho công việc ngoại giao của tôi về sau”, Yu nói.
Dù đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong học tập và công việc, Yu vẫn cảm thấy “chưa đủ tự hào”. Cô gái lai đặt mục tiêu vươn xa hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của gia đình.
“Dưới ảnh hưởng từ người thân, tôi liên hệ sự thành đạt với một công việc văn phòng ổn định, có chức vị và tầm ảnh hưởng. Tôi biết rằng mình phải cố gắng hơn nữa để làm hài lòng cha mẹ”, Yu bộc bạch.
Jessie Wu (23 tuổi), trợ lý quản lý phòng quan hệ khách hàng của một ngân hàng Đài Loan, cũng mắc “hội chứng kẻ mạo danh” vì những áp lực từ gia đình.
“Sau giờ làm, tôi thường đi tập thể dục, tham gia dàn nhạc hoặc ăn tối cùng bạn bè. Cha mẹ tôi lại cho rằng những sở thích cá nhân ấy là vô dụng, không giúp tôi thăng tiến trong công việc”, cô nói.
Bên cạnh gia đình, Wu tin rằng giảng viên đại học của cô cũng là một tác nhân khiến cô dần mất tự tin vào khả năng của mình. “Giảng viên cũ của tôi là người có xu hướng áp đặt kỳ vọng lên sinh viên. Vì thế, tôi cảm thấy tội lỗi khi không thể làm tốt như cô ấy mong đợi”.
Ngày nay, quan điểm về thành công của xã hội châu Á ngày càng đa dạng. Không dừng lại ở việc trở thành bác sĩ, luật sư, kế toán, một người trẻ thành đạt hiện nay được đánh giá bằng tấm bằng đại học hạng ưu của các trường top đầu, một vị trí với mức lương cao trong công ty nước ngoài và được định cư ở nước ngoài.
Tin vào bản thân và cạnh tranh lành mạnh
Ying Gao (24 tuổi), chuyên viên phân tích tài chính ở Hong Kong, tốt nghiệp trường Đại học Columbia (Mỹ), chia sẻ quá trình vượt qua “hội chứng kẻ mạo danh” của mình.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Gao cho rằng mọi trẻ em xứ tỷ dân đều mong muốn trở thành người thành đạt. Song, cô nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh trong môi trường học đường cần lành mạnh, tích cực hơn.
Theo Gao, người trẻ nên tin tưởng vào bản thân nhiều hơn để vượt qua nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo. Như vậy, sự cạnh tranh sẽ trở thành động lực để thúc đẩy người trẻ bộc lộ hết khả năng và hoàn thiện bản thân.
Thực tế, “hội chứng kẻ mạo danh” khiến con người nghi ngờ và hạ thấp tiềm năng của mình, đẩy họ vào cảnh áp lực hay thậm chí là trầm cảm.
Tuy nhiên, tiến sĩ người Singapore Xun Wei Siah (29 tuổi), hiện nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Tokyo (Nhật Bản), cho rằng “hội chứng kẻ mạo danh” không hoàn toàn tiêu cực.
Anh nhận định trạng thái này tồn tại trong tâm lý mỗi cá nhân, chỉ khác nhau ở mức độ và lối suy nghĩ. “Với một người cầu toàn, họ sẽ coi những thành tựu mình đạt được là một điều cá nhân, không có gì đáng để ghen tị. Thay vì so sánh với người khác, họ lấy bản thân làm thước đo để vươn xa hơn mỗi ngày”.