Công chúa Amalia, con gái cả của Vua Willem-Alexander, đã viết thư gửi thủ tướng Hà Lan để xin không nhận khoản thu nhập hàng năm cho đến khi đảm trách nghĩa vụ hoàng gia.
Công chúa Amalia hôm 11/6 đã viết thư cho Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte để từ chối hưởng 1,6 triệu euro (tương đương 1,9 triệu USD) hàng năm, trong đó có thu nhập và các chi phí cá nhân khác, vì cảm thấy “không thoải mái”, theo Guardian.
Trong lá thư tay gửi thủ tướng, Công chúa Amalia nói rằng cô không muốn nhận khoản tiền chừng nào đảm nhận các nghĩa vụ hoàng gia thích hợp.
“Vào tháng 12/2021, tôi sẽ 18 tuổi và sẽ nhận được một khoản trợ cấp theo luật định”, cô Amalia viết. “Tôi cảm thấy không thoải mái vì bản thân chưa thể làm gì để xứng đáng với số tiền ấy, trong khi những học sinh khác đang có quãng thời gian khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là trong thời kỳ Covid-19″, Công chúa chia sẻ.
Trước đó, Công chúa Amalia vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học với kết quả xuất sắc.
Công chúa Amalia cho biết cô sẽ dành ra một năm để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu học bước chân vào giảng đường đại học.
Cô cho biết sẽ hoàn trả khoản thu nhập 300.000 euro hàng năm mà cô được hưởng khi còn là học sinh, và sẽ không nhận 1,3 triệu euro “cho đến khi đảm đương nghĩa vụ công chúa Vương quốc Hà Lan”.
Đây là lần đầu tiên một thành viên của gia đình hoàng gia từ chối nhận khoảng tiền lương (được miễn thuế) và trợ cấp chi phí của họ, theo đài truyền hình NOS của Hà Lan.
Theo một nghiên cứu năm 2012, Hà Lan đã vượt qua Anh để trở thành nền quân chủ tốn kém nhất ở châu Âu.
Năm 2020, chính phủ Hà Lan đã đồng ý chi 47,5 triệu euro ngân sách hoàng gia cho năm 2021. Con số này không bao gồm chi phí phát sinh từ các chuyến thăm cấp nhà nước hoặc bảo dưỡng cung điện.
Trong 47,5 triệu euro, Vua Willem-Alexander nhận mức lương 998.000 euro cùng 5,1 triệu euro chi phí chính thức.
Vợ ông, Hoàng hậu Maxima, nhận được 1,1 triệu euro, 1,7 triệu euro cho cựu Nữ vương Beatrix và 1,6 triệu euro dành cho Công chúa Amalia.
Dưới áp lực của các đảng đối lập, ông Rutte đã đồng ý xem xét lại chi phí hàng năm. Dù vậy, ông cũng cảnh báo về những nguy cơ “dân túy” xuất phát từ các cuộc thảo luận như thế này.